Vì sao có cái tên Dầu chá quẩy (dầu cháo quẩy)?
油炸鬼 (Yau ja gwai) dầu cháo quẩy, giò cháo quẩy, dầu chéo quẩy, giò chéo quẩy, … là những tên gọi khác nhau xuất phát từ một món bánh vào thời NamTống. Do người dân oán hận vợ chồng Tần Cối vì đã hãm hại trung thần Nhạc Phi, lòng oán hận đã thôi thúc họ làm một món bánh nguyên liệu từ bột mì, nặn thành hình người tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối, sau đó thả vào dầu nóng chiên lên cho phần nào thỏa lòng căm hận vì đã hãm hại vị tướng tài ba.
Cái tên yàu ja gwái (Dầu chá quẩy) trong tiếng Quảng Đông có nghĩa đen là "quỷ chiên dầu"
Dân gian lưu truyền rằng ở kinh thành Lâm An, một chàng trai tên Vương Tiểu Nhị làm công trong một tiệm bánh rất buồn khi nhận được tin báo Nhạc Phi đã qua đời, nên đã nặn hình của Tần Cối và vợ là Vương Thị từ bột. Thả bánh vào chảo dầu đang sôi và chiên lên, kêu lớn: "Nhìn đi mọi người, tôi đang chiên Tần Cối và vợ hắn đấy" thu hút rất đông người bước tới tham gia chung vui và mua bánh. "dầu chá quẩy" nhanh chóng lan rộng khắp thành phố Lâm An, khách hàng của Vương Tiểu Nhị ngày càng đông người đến ủng hộ. Do bánh đơn giản dễ làm lại ăn ngon nên được lưu truyền khắp cả nước.
Chuyện sau đó cũng đến tay Tần Cối, hắn sai binh lính truy bắt tất cả những ai làm ra món bánh này. Sau khi trốn khỏi kinh thành, họ tiếp tục bán bánh kiếm sống. Nhưng do ở trong tình thế lúc nào cũng bị truy sát, phải luôn luôn cảnh giác, nên họ không còn đủ thời gian nặn bánh thành hình người như trước nữa mà đơn giản thành hai thỏi bột dài rồi quấn vào nhau, giả làm hai vợ chồng Tần Cối.
Đến đời vua Tống Hiếu Tông, án oan của Nhạc Phi được xóa, còn con cháu họ Nhạc đời đời được hưởng ân sủng triều đình. Người ta cũng làm hai pho tượng sắt theo hình vợ chồng Tần Cối đặt quỳ ở trước mộ ông, trong khuôn viên Nhạc miếu để người đời sau khi đến thăm sẽ phỉ nhổ nước bọt vào hai kẻ gian thần.
"Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt,
Bạch thiết vô cô chú nịnh thần"
Nhạc Phi mất vào ngày 28 tháng 01 năm 1142. Đến nay đã hơn 800 năm, nhưng món dầu chá quẩy vẫn còn tồn tại và lan sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Lòng người vẫn căm phẫn, cũng như nỗi nhục muôn đời của một kẻ bán nước như Tần Cối nghìn năm sau cũng không sao gột rửa được. Hậu thế về sau sẽ luôn ghi nhớ chiến tích của trung thần Nhạc Phi, một ví tướng tài bách chiến bách thắng nhưng bị gian thần hãm hại.